12.3.07

Điều khiển PC từ PPC


Hiện có nhiều giải pháp điều khiển máy tính từ xa dùng các thiết bị di động như Pocket PC, Palm, Smartphone với sự hỗ trợ của công nghệ không dây. Các thiết bị di động phổ biến dùng hệ điều hành Symbian, Windows CE và Palm OS, còn các công nghệ không dây có thể kể đến là IrDA (hồng ngoại), Bluetooth, Wi-Fi. Nổi lên trong đó là sự kết hợp của Pocket PC với HĐH Window Mobile và công nghệ Wi-Fi.

Cài chương trình cần thiết

Để biến chiếc Pocket PC (PPC) thành thiết bị điều khiển PC từ xa, cần có công cụ “bắt tay” giữa PPC và PC. PPC2PC là công cụ như vậy, đây là ứng dụng phát triển trên nền .NET Framework, gồm 2 phần: Server (cài trên PC) và Client (cài trên PPC).

- Trên server (PC) cần thiết phải có .NET Framework 2.0, có thể tải về tại www.microsoft.com.

- Trên client (PPC) cần phải có .NET Compact Framework (thông thường các máy PPC đều có sẵn), có thể tải về tại www.microsoft.com.

Sử dụng Server


Hình 1. Biểu tượng chương trình PPC2PC Server ở khay hệ thống

Thiết bị Server (PC) phải được kết nối mạng LAN và có một địa chỉ IP cùng mạng với Client. Mở chương trình PPC2PC_Server trên PC và ấn định Port đợi lệnh gửi từ Client. Ấn nút Start để bắt đầu nhận lệnh, chương trình sẽ tự động thu nhỏ thành biểu tượng ở khay hệ thống (Hình 1). Ta có thể mở lại chương trình bằng cách nhấn đúp chuột vào biểu tượng này, nhấn nút Hide để thu nhỏ chương trình trở lại. Để kết thúc chương trình PPC2PC Server, nhấn nút Close (X) trên thanh tiêu đề.

Sử dụng Client

Hình 2. Màn hình điều khiển Window Media Player


Để kết nối được với chương trình Server trên PC, PPC phải được kết nối Wi-Fi và có một địa chỉ IP cùng mạng với PC. Chạy chương trình PPC2PC (PPC2PC_Client) trên PPC (dùng HĐH Window Mobile 2003 hoặc 2005), vào File/Option để chọn địa chỉ IP và Port của Server. Và bạn có thể bắt đầu điều khiển PC.


Hình 3. Màn hình điều khiển chương trình PowerPoint

- Điều khiển Window Media Player (hay WinAmp): Vào menu Remote/Window Media Player/Open. Lúc này, trên Server sẽ hiện ra màn hình chương trình Window Media Player, đồng thời màn hình này cũng được truyền về thiết bị cầm tay Client. Ta có thể thực hiện các chức năng trên màn hình Client như: Play, Pause, Previous, Next, Vol++, Vol-- (Hình 2). Để kết thúc điều khiển Window Media Player, bạn vào Menu Remote/Window Media Player/Close. Chương trình sẽ đưa về màn hình chính.

Hình 4. Màn hình điều khiển Desktop


- Điều khiển PowerPoint: Vào menu Remote/PowerPoint/Open. Lúc này, trên Server sẽ hiện ra màn hình chương trình PowerPoint, đồng thời màn hình trên Server cũng được truyền về thiết bị cầm tay Client. Ta có thể thực hiện các chức năng thể hiện trên màn hình Client như: Slide Show, EndShow, Back, Next, GotoFirst, GotoEnd (Hình 3). Để kết thúc điều khiển PowerPoint, bạn vào Menu Remote/PowerPoint/Close. Chương trình sẽ đưa về màn hình chính.


Hình 5. Menu điều khiển các chức năng hệ thống

- Điều khiển Desktop: Vào menu Remote/Desktop/Start. Lúc này, màn hình trên Server cũng sẽ được truyền về thiết bị cầm tay Client, đồng thời trên màn hình Client sẽ hiện các chức năng điều khiển chuột. Ta có thể điều khiển các chức năng thể hiện trên màn hình Client như chuột, bàn phím... để thực hiện các thao tác điều khiển PC từ xa, màn hình trên Server sẽ được đồng bộ với màn hình Client (Hình 4). Để kết thúc điều khiển Desktop, ta vào Menu Remote/Desktop/Stop. Chương trình sẽ đưa về màn hình chính, đồng thời ngưng việc đồng bộ.

- Điều khiển hệ thống: Gồm các chức năng Shutdown, Restart, PowerOff, LogOff, Open CD-ROM, Close CD-ROM. Các chức năng này được xếp trong menu System.

Hình 6. Màn hình chức năng Send Message


- Chức năng Send Message: Cho phép người sử dụng thiết bị cầm tay để gửi thông điệp văn bản đến người sử dụng Desktop nhằm mục đích thông báo, truyền thông tin... Chức năng này được xếp trong menu File. Vào File/SendMessage. Lúc này, trên màn hình điều khiển thiết bị cầm tay thể hiện vùng nhập nội dung thông điệp, để gửi thông điệp ta ấn Send. Để kết thúc chương trình, vào menu File, chọn Exit.

PPC2PC: www.4shared.com/file/3039007/becc8543/ppc2pc.html.

Nguyen Hoang Nhut

Tìm hiểu về các hệ điều hành cho PDA



Tốc độ phát triển vượt bậc của các thiết bị cầm tay đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt của các công ty phần mềm cung cấp hệ điều hành (HĐH) cho các thiết bị này: Palm OS, Symbian, Linux, Windows, Doja, Brew… Trong số này, tập đoàn Microsoft với HĐH Windows Mobile hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành công nhất nhờ vào số lượng khổng lồ những người đã quen sử dụng Windows từ trước đến nay.

Windows Mobile 2005, một trong những HĐH Windows Mobile phiên bản mới có rất nhiều tính năng mạnh và khác một trời một vực so với Windows CE - thế hệ đầu tiên của Windows Mobile (phiên bản 1.0) ra đời năm 1998. Thiết bị cầm tay lúc này chưa được gọi là Pocket PC mà có tên gọi là Palm Size PC.

Hình 1: Một trong
những phiên bản
Windows CE đầu tiên
với màn hình
grayscale

Windows CE là tiền thân của Windows Mobile ngày nay. "CE" không phải là một từ viết tắt, hay ký hiệu của công nghệ nào, mà đó là tập hợp các từ Compact, Connectable, Compatible, Companion và Efficient. Những từ này tượng trưng cho khả năng mà các thiết bị cầm tay sử dụng Windows CE, thể hiện sự kết hợp gọn nhẹ, khả năng kết nối, khả năng tương thích, sổ tay điện tử và hiệu suất cao. Những tính năng này dần được cải thiện trong những thế hệ sau và bổ sung thêm tính năng khác như: màn hình màu, chụp hình, nghe nhạc, định vị,…

Mặc dù Windows CE 1.0 được dùng trong Palm-Size PC từ năm 1998, nhưng trước đó nó đã được dùng trong các Handheld PC từ năm 1996. Handheld PC có dạng như một laptop thu nhỏ với đầy đủ bàn phím, chuột,… và chưa có màn hình cảm ứng như trên Pocket PC.

Máy Handheld PC Pegasus sản xuất năm 1996 của hãng HP, sử dụng Windows CE 1.0, màn hình đơn sắc Monochrome và bán được hơn nửa triệu thiết bị trong năm đầu tiên. Giao diện Windows CE 1.0 được thiết kế theo giao diện của Windows 95.

Năm 1997, Handheld PC Mercury ra đời với HĐH Windows CE 2.0, màn hình VGA 256 màu tích hợp ứng dụng Office và vẫn giữ giao diện của Windows 95. Thời điểm này cũng là lúc Palm-Size PC chuẩn bị ra đời trên nền Windows CE 1.0 (hình 1).

Cuối năm 1999 và đầu 2000, Rapier, thiết bị cầm tay với HĐH Windows CE lần đầu tiên được gọi là Pocket PC (tức máy vi tính bỏ túi) hay Pocket PC 2000. Một tên gọi khác của thiết bị này lúc đó là Handheld PC – Galileo. HĐH Windows CE được nâng cấp lên phiên bản 3.0 với màn hình cảm ứng.

Tiếp đó, năm 2001, Merlin - thế hệ Pocket PC 2002 ra đời, giao diện được xây dựng trên nền tảng Windows XP. Vẫn là Windows CE 3.0 nhưng phiên bản này được tích hợp thêm ứng dụng Windows Media Player. Bởi vậy, người sử dụng đã có thêm một chức năng rất tuyệt trên Pocket PC như nghe nhạc, xem phim… Lúc này, ĐTDĐ vẫn đang phổ biến các model đơn sắc như Nokia 3310, 8310, 8210, 8250, Samsung A100,… còn Pocket PC chưa tích hợp chức năng đàm thoại của ĐTDĐ.

Năm 2002, trên thị trường bắt đầu phổ biến mạnh các loại smartphone (điện thoại thông minh) sử dụng HĐH Symbian. Để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh, Microsoft đã phát triển tích hợp chức năng thoại GSM vào HĐH Windows CE. Thời điểm này bắt đầu xuất hiện khá nhiều các Pocket PC có khả năng đàm thoại như O2 Xda, Lenovo…

Hình 7: Smartphone 2003

Mặc dù vậy, lúc đó, Pocket PC vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh cùng các loại smartphone với HĐH Symbian do các tính năng kết nối khá yếu, cụ thể là chưa có Bluetooth, chưa có Wi-Fi…

Năm 2003, Windows CE được nâng cấp lên phiên bản 4.x khá hoàn hảo và đủ sức cạnh tranh với HĐH Symbian nhờ vào các tính năng Bluetooth, công nghệ Dot NET Framework, Wi-Fi và chương trình Windows Media Player 9.0. Đánh dấu bước phát triển này và có lẽ với mục đích cuối cùng là nhằm thay đổi hoàn toàn các hệ điều hành trên các ĐTDĐ hiện có bằng Windows, Windows CE được đổi tên thành Windows Mobile. Cũng giống như Windows trên PC, Windows Mobile cũng dùng năm ra đời để đánh dấu các phiên bản khác nhau như: Windows Mobile 2003, Windows Mobile 2003 Second Edition (2004)... Phiên bản mới nhất của HĐH này là Windows Mobile 5.0, vừa ra mắt trong quý 3 năm 2005.